Vịnh Hạ Long sắp có khu nuôi trồng thủy sản rộng 260 ha
Tỉnh Quảng Ninh vừa có văn bản xin ý kiến Bộ VH-TT-DL về khu nuôi trồng thủy sản tại vùng đệm vịnh Hạ Long, trong đó có một phần phục vụ du lịch.
Ngày 23.10, thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, địa phương này vừa có văn bản gửi Bộ VH-TT-DL xem xét chấp thuận đối với phương án chi tiết nuôi trồng thủy sản tập trung trên vùng đệm vịnh Hạ Long.
Theo văn bản nói trên, chủ đầu tư dự án là UBND TP.Hạ Long (Quảng Ninh). Mục tiêu dự án nhằm phục vụ công tác quản lý bảo vệ và phát huy giá trị của Di sản văn hóa thiên nhiên thế giới theo đúng quy định của pháp luật; cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển nuôi biển bền vững của Thủ tướng Chính phủ.
Vị trí nghiên cứu lập phương án chi tiết nuôi trồng thủy sản tập trung trên địa bàn TP.Hạ Long nằm tại khu vực bảo vệ II (Vùng đệm) của Di tích quốc gia đặc biệt, Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long với quy mô 260 ha, được chia thành 2 khu vực:
Khu vực 1 (diện tích 210 ha) có vị trí: Phía Đông giáp tuyến luồng Tuần Châu (TP.Hạ Long) - đảo Cát Bà (Hải Phòng); phía Tây giáp với Khu vực giáp ranh giới xã Hoàng Tân (TX.Quảng Yên, Quảng Ninh); phía Nam giáp luồng Ba Mom; phía Bắc giáp đảo Tuần Châu.
Khu vực 2 (diện tích 50 ha) có vị trí: Phía Đông giáp hòn Vụng Ba Cửa; Phía Tây giáp Hòn Bồ Hung; Phía Nam giáp Hòn Trà Hương và luồng Lạch Ngăn; Phía Bắc giáp luồng Ba Mom.
Đối tượng nuôi của dự án là nhuyễn thể (tu hài, ngọc trai, ngao giá, ngao ô vuông, ngao hoa...), cá biển (cá chim vây vàng, cá vược, cá hồng mỹ, cá song..) và nuôi xen canh một số loài rong biển.
Với các lồng bè nuôi thủy sản kết hợp du lịch sẽ được phân làm 2 khu: khu nuôi thương phẩm và khu nuôi trình diễn cho khách du lịch (các đối tượng nuôi có kích cỡ lớn, màu sắc đẹp, dễ dàng quan sát, tiếp cận...); mỗi bè nuôi có diện tích tối thiểu 300 m2, có đủ các bộ phận như nhà điều hành, kho, vệ sinh, các lồng nuôi, các lối đi đảm bảo an toàn...; mỗi lồng có thể tích 100 - 200 m3; mỗi cụm lồng khoảng 10 - 12 lồng. Mỗi cụm lồng cách nhau 20 - 30 m.
Đưa hoạt nuôi trồng thủy sản trên vịnh Hạ Long vào khuôn khổ
Như Thanh Niên đã có nhiều bài phản ánh, nhiều năm trước đây, trên vịnh Hạ Long hàng trăm ha mặt nước bị chiếm dụng để nuôi trồng thủy sản trái phép, dẫn tới việc gây bất ổn về an ninh trật tự, thất thu thuế, mất an toàn giao thông.
Trước tình hình đó, vào cuối năm 2023, chính quyền TP.Hạ Long đã vào cuộc tổ chức vận động người dân tháo dỡ, cưỡng chế để lấy lại mặt nước. Đến nay, UBND TP.Hạ Long tiến hành tiến hành thực hiện các thủ tục để xin cấp phép thành lập khu vực nuôi trồng thủy sản rộng 260 ha tại vùng đệm Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo TP.Hạ Long cho biết, địa phương này đã lập quy hoạch và xin ý kiến các cơ quan chức năng khu vực nuôi trồng thủy sản nói trên để quản lý, bảo vệ di sản được tốt hơn; đồng thời tạo sinh kế cho người dân theo hướng bền vững, hiệu quả.
Ngoài ra, tại khu vực nuôi trồng thủy sản mới TP.Hạ Long hướng đến xây dựng sản phẩm du lịch mới phù hợp với sự phát triển của du lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm, du lịch trải nghiệm…Đáng chú ý, theo UBND tỉnh Quảng Ninh, vị trí lập phương án nuôi trồng thủy sản nằm ngoài ranh giới vùng lõi của vịnh Hạ Long nên ít có các ảnh hưởng đến việc bảo tồn Di sản vịnh Hạ Long. Đây là khu vực có vị trí thuận lợi để kết nối với các khu du lịch lân cận như: Tuần Châu, Bãi Cháy, khu phức hợp Hạ Long Xanh...Tuy nhiên, do nằm sát vùng lõi vịnh Hạ Long, nên địa phương cam kết tuân thủ nghiêm các biện pháp kỹ thuật, thu gom và xử lý tất cả các loại chất thải, nước thải trên biển vào khu vực tập kết xử lý sơ bộ trước khi vận chuyển đi xử lý trên đất liền để không ảnh hưởng đến chất lượng nước vịnh Hạ Long và môi trường xung quanh.
Lã Nghĩa Hiếu ( Báo Thanh niên)
Tin tức khác
- BHXH tỉnh: Đẩy mạnh tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT đến người dân
- Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng
- Quan tâm chăm lo người có công với cách mạng
- Quảng Ninh thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách chăm sóc người có công với cách mạng
- Quảng Ninh: Chăm lo người có công với cách mạng, gia đình chính sách