Quảng Ninh: Chăm lo người có công với cách mạng, gia đình chính sách

Phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, cùng với đẩy mạnh tăng trưởng về kinh tế, tỉnh Quảng Ninh luôn đặc biệt quan tâm, chăm lo đời sống người có công với cách mạng, gia đình chính sách. Với nhiều hành động thiết thực, ý nghĩa và chính sách riêng có, các cấp, ngành của tỉnh Quảng Ninh đã và đang cùng chung tay, góp phần làm vơi đi những mất mát, đau thương mà chiến tranh để lại…

Ấm cúng những ngôi nhà nghĩa tình… 

Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, tỉnh Quảng Ninh đóng góp nhiều sức người, sức của cùng với quân và dân cả nước giành lại độc lập, thống nhất đất nước. Hiện, toàn tỉnh đang có hơn 48.600 người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và đối tượng thờ cúng liệt sĩ; trong đó, đối tượng đang hưởng trợ cấp hàng tháng là hơn 12.000 người.

Với tình cảm, đạo lý và trách nhiệm, thời gian qua, các cấp, ngành trong tỉnh đã tập trung thực hiện hiệu quả các chế độ, chính sách dành cho người có công, gia đình chính sách.

Trong giai đoạn 2013 - 2021, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có hơn 12.300 hộ gia đình người có công được hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ với ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp hơn 482 tỷ đồng, kinh phí đối ứng của các hộ gia đình hơn 1.000 tỷ đồng.

Tiếp nối chính sách nhân văn này, ngày 21/7/2023, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định số 2031/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn tỉnh năm 2023. Với đề án này, tỉnh dành 81 tỷ đồng hỗ trợ xây mới, sửa chữa 1.450 nhà ở cho hộ gia đình người có công và thân nhân liệt sĩ.

Trên địa bàn tỉnh đã có 200 hộ người có công, thân nhân liệt sĩ được xây mới và 438 hộ được hỗ trợ cải tạo, sửa chữa nhà ở; tổng kinh phí thực hiện 34,6 tỷ đồng. Đến cuối tháng 6/2024, đã có 177 hộ hoàn thành xây mới và 423 hộ hoàn thành sửa chữa.

Cùng với việc xây mới, hỗ trợ cải tạo và sửa chữa nhà ở, công tác thăm hỏi, tặng quà các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng cũng đã được tỉnh Quảng Ninh thực hiện chu đáo, tận tình. Đặc biệt, mỗi dịp tháng 7 hàng năm, nhiều hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” được các cấp, ngành, địa phương và Nhân dân triển khai sâu rộng trên toàn tỉnh như: Thăm và tặng quà người có công, gia đình chính sách; viếng nghĩa trang; tổ chức lễ dâng hương và thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ…

Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức khám, chữa bệnh và cấp phát thuốc cho 50 trường hợp là các gia đình chính sách khó khăn trên địa bàn tỉnh nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7/2023. Ảnh: BĐBP

Đồng thời, phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, phụng dưỡng các bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc đời sống người có công với cách mạng tiếp tục được duy trì và phát triển, thu hút sự ủng hộ của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và toàn xã hội. Đến nay, 100% các xã, phường, thị trấn được công nhận thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng; các hộ gia đình người có công của tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú…

Những chính sách riêng có…

Bên cạnh việc thực hiện tốt các chính sách của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành các nghị quyết riêng với nhiều chính sách đặc thù, hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần người có công với cách mạng và gia đình chính sách.

Mới đây nhất là Nghị quyết số 23/2023/NQ-HĐND ngày 8/12/2023 quy định chính sách hỗ trợ một số đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân trên địa bàn tỉnh đã được HĐND tỉnh khóa XIV thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

Ngoài mức hỗ trợ do ngân sách Trung ương đảm bảo, tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ thêm tiền điều dưỡng phục hồi sức khỏe đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ theo niên hạn điều dưỡng hàng năm và hai năm một lần, như: Điều dưỡng tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh được nâng mức hỗ trợ tiền ăn từ 1,4 triệu đồng/người/lần lên 1,8 triệu đồng/người/lần; hỗ trợ tổ chức tham quan các di tích lịch sử, văn hóa ở các địa phương trong nước theo chi phí thực tế, tối đa không quá 1,35 triệu đồng/người/lần; người có công điều dưỡng tại nhà được hỗ trợ tiền ăn 900.000 đồng/người/lần (trước đây là 700.000 đồng)…

Cán bộ Phòng Quản lý đô thị TP Cẩm Phả và phường Cẩm Trung thăm gia đình bà Phạm Thị Loan, vợ liệt sĩ (khu 1A) trong ngôi nhà mới được TP hỗ trợ xây dựng. Ảnh: Hiểu Trân

Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học… có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61 - 80%; người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù đày còn được tỉnh hỗ trợ điều dưỡng trong năm khi mà đối tượng không thực hiện điều dưỡng theo chính sách của Trung ương…

Cũng theo Nghị quyết số 23, Quảng Ninh hỗ trợ thêm hàng tháng đối với người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp, phụ cấp; hỗ trợ bảo hiểm y tế cho thân nhân là vợ hoặc chồng của: Thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 60% trở xuống; người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù đày; người phục vụ đối tượng là con đẻ bị dị dạng, dị tật không tự lực được trong sinh hoạt của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học...

Song song với công tác chăm lo, tỉnh Quảng Ninh cũng chú trọng việc tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân, nhất là thế hệ trẻ về sự hy sinh, đóng góp to lớn của người có công với cách mạng. Qua đó, phát huy tinh thần trách nhiệm chung sức, chung lòng chăm lo, đáp đền bằng những hoạt động thiết thực.

Tiêu biểu, các cơ sở Đoàn trong tỉnh đã tổ chức các chuyến hành trình về nguồn, thăm địa chỉ đỏ trên địa bàn tỉnh; thăm, tặng quà cho gia đình chính sách, người có công; trồng cây xanh, vệ sinh nghĩa trang và đài tưởng niệm liệt sĩ; dâng hương, thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ mỗi dịp 27/7 hàng năm…

Trên hành trình phát triển, công tác "đền ơn đáp nghĩa" đã trở thành truyền thống, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Với tình cảm, đạo lý và trách nhiệm, các cấp, ngành trong tỉnh đã tập trung thực hiện hiệu quả các chế độ, chính sách dành cho người có công, gia đình chính sách… Qua đó, góp phần làm vơi đi những mất mát, đau thương mà chiến tranh để lại; đồng thời, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc đối với thế hệ trẻ hôm nay.

Báo Thanh tra

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 107