Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường
Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh ủy "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030", các cấp ủy, chính quyền tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
Cán bộ, hội viên phụ nữ TP Hạ Long dọn dẹp bãi biển Tuần Châu sau bão số 3.
BTV Huyện ủy Cô Tô chỉ đạo tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết đến CBCCVC và nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết. Đồng chí Nguyễn Việt Dũng, Bí thư Huyện ủy Cô Tô, cho biết: Cụ thể hóa Nghị quyết, BTV Huyện ủy đã ban hành nhiều quyết định, đề án liên quan đến công tác bảo vệ môi trường (BVMT), trong đó có Đề án “Huyện Cô Tô không rác thải nhựa”. Đến nay huyện đã hoàn thành 6/8 chỉ tiêu Nghị quyết. Trong đó tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt tại các đô thị đạt 98%, tại các xã đảo có hoạt động du lịch đạt 99%; tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 58%; 98% hộ dân ở đô thị và 80% hộ ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn… Hoạt động BVMT có chuyển biến tích cực. Môi trường tự nhiên ngày càng được bảo vệ hiệu quả; nhiều loài sinh vật biển quý hiếm đã quay trở lại trên vùng biển Cô Tô như cá voi, cá heo, rùa…
Cụ thể hóa Nghị quyết số 10-NQ/TU, Thành ủy Cẩm Phả đã ban hành 3 nghị quyết chuyên đề và 3 đề án BVMT. Đến nay thành phố đã hoàn thành 9/11 chỉ tiêu của Nghị quyết; 2 chỉ tiêu còn lại (tỷ lệ hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 80%; tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải tại các khu đô thị tập trung đạt trên 65%), thành phố xây dựng lộ trình hoàn thành trong năm 2025.
Các hạng mục thu gom, xử lý nước thải tại KCN Bắc Tiền Phong (TX Quảng Yên) được đầu tư hoàn thiện.
Các cấp ủy, chính quyền đã nỗ lực lớn, quyết tâm cao thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/TU, tạo được chuyển biến rõ nét. Trong đó đã chỉ đạo xây dựng và ban hành 2 bộ quy chuẩn kỹ thuật của địa phương về môi trường; di dời 862 cơ sở sản xuất ô nhiễm môi trường xen kẽ trong khu dân cư, không phù hợp quy hoạch đô thị vào các KCN, CCN; thực hiện lộ trình chấm dứt khai thác đất, đá đồi tự nhiên làm vật liệu san lấp mặt bằng. Từ tháng 10/2022 đến tháng 6/2024, toàn tỉnh đã chi gần 6.500 tỷ đồng thực hiện 42 dự án đầu tư công lĩnh vực BVMT và ứng phó biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, sau bão số 3 vừa qua, tinh thần của Nghị quyết số 10-NQ/TU càng được khẳng định rõ nét trong thực tiễn. Tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang và toàn dân tham gia tập trung khắc phục hậu quả của bão. Trong đó khẩn trương thu dọn, khắc phục tạm thời các công trình bị hư hại, cây cối bị gãy, đổ. Ủy ban MTTQ tỉnh, các đoàn thể huy động người dân chung tay dọn dẹp đường, ngõ phố. Chỉ 7 ngày sau bão, việc thu gom rác, cây cối... trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn tất.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, cho biết: Chung tay khắc phục hậu quả bão số 3, MTTQ các địa phương đã chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội triển khai chiến dịch cao điểm, ngày Chủ nhật xanh, ngày thứ 7 tình nguyện ra quân tổng vệ sinh môi trường dọn dẹp, xử lý rác thải, cây xanh gãy, đổ với sự tham gia của đông đảo người dân và các lực lượng. Đặc biệt, TP Hạ Long triển khai thắng lợi “Chiến dịch thần tốc 7 ngày” với sự tham gia của 33 đội tình nguyện cấp xã; 243 đội tình nguyện các thôn, khu phố và gần 14.000 người dân chung tay. Những vấn đề về môi trường cơ bản được khắc phục, sinh hoạt của người dân và các hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch dịch vụ dần trở lại bình thường.
Tổng hợp đến thời điểm hiện tại, 9/18 chỉ tiêu của Nghị quyết 10-NQ/TU đã hoàn thành. Trong đó, tỷ lệ che phủ rừng tiếp tục duy trì 55% cao hơn mức trung bình của cả nước; an ninh nguồn nước được đảm bảo; 10 triệu quả phao xốp được thay thế; nhiều mô hình nuôi biển theo hướng bền vững, công nghệ cao được triển khai, mang lại hiệu quả kinh tế cao...
Với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các định hướng được xác định tại Nghị quyết số 10-NQ/TU, Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước về thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia với Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023 đứng đầu toàn quốc. Qua đó góp phần hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng gia tăng ô nhiễm môi trường; chủ động và tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu, hình thành các điều kiện cơ bản cho nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ít phát thải, các bon thấp; góp phần xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Tin tức khác
- Tổng kết lớp đào tạo nghề nghiệp vụ du lịch gia đình năm 2024
- Hạ Long ra quân tuyên truyền đảm bảo trật tự, an toàn giao thông
- Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Hạ Long phát triển theo hướng trở thành đô thị đa cực
- Xây dựng, phát triển thành phố Hạ Long lên tầm cao mới