Dần hình thành thói quen không dùng tiền mặt

Kinh tế số đang ngày càng mạnh mẽ, trong đó độ “phủ sóng” của hình thức thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong giao dịch, mua sắm đang dần trở nên phổ biến, được đông đảo người dân ưu tiên lựa chọn.

 

Người dân thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ Móng Cái.

Thời gian qua, các địa phương và các tổ chức trong tỉnh đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, khuyến khích người dân TTKDTM, phát triển kinh tế số... Đến nay, hầu hết các cửa hàng kinh doanh, dịch vụ được trang bị mã quét QR để người dân thanh toán bằng cách quét mã chuyển khoản hoặc chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng. Tiện ích này giúp người dân thoải mái mua sắm mà không lo “quên” mang tiền mặt mỗi khi đi mua sắm.

Chị Nguyễn Thị Lan bán giò tại chợ Cột 3 (TP Hạ Long) cho biết: Nhờ có hình thức TTKDTM, khách hàng của tôi không phải nợ chịu mỗi khi quên mang tiền. Khách mua giò chỉ 20.000 đồng cũng có thể chuyển bằng phương thức này. Chỉ cần bấm lệnh thanh toán ngay trên điện thoại, tích tắc tiền đã chuyển vào tài khoản.

TTKDTM không chỉ thuận tiện cho các cửa hàng kinh doanh mà vô cùng tiện ích cho người dân khi đi mua sắm tiêu dùng. Chị Nguyễn Thanh Xuân (phường Hồng Hải, TP Hạ Long) cho biết: Trước đây, mỗi lần đi chợ nếu quên tiền mặt là phải quay về lấy, rất bất tiện. Tuy nhiên, kể từ khi các quầy ở chợ Hạ Long thực hiện thanh toán bằng điện tử, tôi thấy rất tiện lợi.

Hiện trên địa bàn TP Hạ Long có 88% số hộ kinh doanh trong chợ, 98% số cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại, siêu thị chấp nhận TTKDTM.

Không chỉ ở thành phố, các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh hiện nay, việc giao dịch bằng phương thức thanh toán điện tử đang dần phổ biến, mang lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp, cửa hàng.

Cửa hàng tạp hóa của gia đình chị Tạ Thị Hân (xã Đông Ngũ) triển khai quét mã QR tạo thuận lợi cho khách hàng.

Đông Ngũ là xã vùng cao của huyện Tiên Yên, hiện có hơn 160 hộ tiểu thương. Thời gian qua được sự vận động của các cấp, đoàn thể của xã và thấy được sự tiện lợi của việc TTKDTM, đến nay 100% các hộ tiểu thương đã chủ động triển khai với các ngân hàng cung cấp các kênh thanh toán, như quét QR-Code, quẹt thẻ qua máy Post và phần mềm qua điện thoại di động.

Chị Chìu Sám Múi (thôn Đông Ngũ, xã Đông Ngũ) chia sẻ: Trước đây tôi đi xuống thị trấn Tiên Yên mua sắm, nhiều lúc quên tiền mặt tôi phải đi về lấy rất mất thời gian. Nay cửa hàng nào cũng có mã quét QR thanh toán tiền, nếu có quên tiền mặt tôi vẫn yên tâm mua sắm.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Ngũ, cho biết: Thời gian tới xã tiếp tục tuyên truyền đến người dân về lợi ích TTKDTM khi giao dịch TTHC, mua sắm… Trên địa bàn xã có đến 50% là người dân tộc thiểu số, nên bà con vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận và sử dụng hình thức này.

Đoàn thanh niên phường Phương Nam (TP Uông Bí) hướng dẫn người dân thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Quảng Ninh, 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh có 773.435 TK Mobile - Money (tăng khoảng 400.000 tài khoản so năm 2022), trong đó Viettel 631.000 TK, VNPT 81.700 TK, Mobifone 60.735 TK, doanh số thanh toán qua Mobile - Money tại VNPT  là 8,9 tỷ đồng; có 22 mô hình Chợ 4.0 - TTKDTM được ĐVTN triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, qua đó đã hỗ trợ tạo mã QR-Code thanh toán miễn phí (bằng bộ nhận diện riêng của Đoàn Thanh niên) cho trên 2.000 hộ kinh doanh, tiểu thương tại các chợ dân sinh, tổng giá trị các hoạt động 65 triệu đồng.

Trên địa bàn tỉnh còn đẩy mạnh TTKDTM ở đa ngành, đa lĩnh vực. Đến tháng 9/2023 có 99,2% số thu ngân sách nhà nước (thuế, phí, lệ phí); 86,94% số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thanh toán tiền điện, nước; 88,5% cơ sở giáo dục, 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 100% trường đại học, cao đẳng; 80% học phí của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; 100% cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị, các bệnh viện, trung tâm y tế cấp huyện TTKDTM; 13/13 địa phương trong tỉnh đã áp dụng mô hình Chợ 4.0.

Ngọc Trâm

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 20