An toàn thực phẩm mùa lễ hội
Dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, mùa xuân là thời gian cao điểm của các lễ hội đầu năm, vì vậy nhu cầu sử dụng, tiêu dùng thực phẩm, hàng hoá của người dân, du khách vì thế cũng tăng cao. Điều này cũng khiến nguy cơ ngộ độc thực phẩm có chiều hướng gia tăng, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, xử lý những vi phạm.
Trong thời gian tới, trên địa bàn cả nước nói chung, Quảng Ninh nói riêng, có nhiều lễ hội xuân diễn ra. Đây là thời điểm gia tăng hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường lớn nhất trong năm. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan bảo đảm nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm để ổn định giá, nhất là gạo, thịt lợn và các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024, tránh trình trạng thiếu hàng, sốt giá; tăng cường công tác quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản; phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, các hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới.
Đảm bảo tốt an toàn thực phẩm sẽ góp phần làm nên một mùa lễ hội xuân thành công.
Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tổ chức, triển khai công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm cho tất cả các nhóm đối tượng sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm ở cả thời điểm trước, trong thời gian Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa lễ hội xuân 2024; tập trung tuyên truyền các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, đặc biệt là các biện pháp vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen trong lựa chọn, sử dụng thực phẩm để đảm bảo an toàn, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Để bảo vệ người tiêu dùng, du khách, đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết và mùa lễ hội xuân, hiện Quảng Ninh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan tăng cường, tích cực kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm trong kinh doanh, buôn bán về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 48.901 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong đó, ngành Công Thương đang quản lý 10.072 cơ sở; ngành Nông nghiệp quản lý 28.035 cơ sở; ngành Y tế quản lý 10.794 cơ sở. Để bảo đảm an toàn thực phẩm dịp tết, lễ hội xuân 2024, các ngành liên quan đã thành lập 3 đoàn kiểm tra đi kiểm tra tại 13/13 địa phương trên địa bàn tỉnh, tập trung thực hiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với các sản phẩm sử dụng nhiều trong dịp tết, lễ hội xuân. Đoàn đã kiên quyết xử lý nghiêm đối với những cơ sở vi phạm, khuyến cáo, ký cam kết với các đơn vị tăng cường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng.
Ngoài công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, các sở, ban, ngành, địa phương còn đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm cho tất cả các nhóm đối tượng sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa lễ hội xuân 2024.
Mùa xuân là mùa của lễ hội. Để tránh xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì ngoài sự vào cuộc của các lực lượng chức năng trong kiểm tra, xử lý vi phạm, mỗi người dân, du khách cần trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để trở thành nhà tiêu dùng thông thái, lựa chọn hàng hóa, thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đáp ứng đủ các quy định, thực hiện tốt nguyên tắc mua sắm thông minh, ăn uống hợp lý.
Nguồn: quangninh.gov.vn
Tin tức khác
- Tổng kết lớp đào tạo nghề nghiệp vụ du lịch gia đình năm 2024
- Hạ Long ra quân tuyên truyền đảm bảo trật tự, an toàn giao thông
- Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Hạ Long phát triển theo hướng trở thành đô thị đa cực
- Xây dựng, phát triển thành phố Hạ Long lên tầm cao mới