Nhiều mô hình hiệu quả về đảm bảo vệ sinh ATTP

Chủ động đảm bảo vệ sinh ATTP là trách nhiệm của từng cá nhân và toàn xã hội. Với tinh thần trách nhiệm cao, Hội LHPN TP Hạ Long luôn nỗ lực tuyên truyền, vận động hội viên và người dân thực hiện ATTP từ những việc làm nhỏ nhất, để mọi gia đình có thể sử dụng thực phẩm sạch hằng ngày.

Mô hình trồng rau an toàn của gia đình chị Nguyễn Thị Theo (khu 6B, phường Hà Phong, TP Hạ Long).

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trên địa bàn TP Hạ Long có khoảng 2.186 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và phần lớn các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ tại các chợ. Tuy nhiên, không phải cơ sở nào cũng đảm bảo cung cấp sản phẩm sạch, an toàn và tốt cho sức khỏe của người dân. Thực tế, nhiều vấn đề như sử dụng những hoá chất cấm dùng trong nuôi trồng, chế biến nông, thủy sản, thực phẩm; ô nhiễm từ các khu chợ chật chội, bẩn thỉu, mất vệ sinh... đang gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người tiêu dùng. 

Để định hướng người dân có thói quen sử dụng thực phẩm an toàn, Hội LHPN TP Hạ Long đã có nhiều hình thức tuyên truyền, vận động sáng tạo như: Phát túi nilon tự hủy tại các khu chợ lớn và nhỏ của thành phố, tuyên truyền về tác hại của thực phẩm không an toàn, hạn chế sử dụng đồ nhựa để đựng thực phẩm, xây dựng mô hình trồng rau an toàn, ủ phân hữu cơ...

Những khẩu hiệu và hình vẽ minh họa sinh động về việc dùng túi nilon tự hủy, dùng làn nhựa đi chợ, không dùng ống hút nhựa, hay nói không với thực phẩm ôi thiu... đã tác động khá mạnh mẽ tới chị em. Đặc biệt, việc phát túi nilon tự hủy miễn phí, đã tạo sự thay đổi lớn trong thói quen dùng túi nilon của người dân.

Chị Dương Thị Tâm, tiểu thương chợ Hạ Long 3 (phường Hồng Hải, TP Hạ Long) cho biết: Từ khi được tuyên truyền về vệ sinh ATTP và sự nguy hại của thực phẩm bẩn, chúng tôi đã ý thức về việc không thể đặt lợi nhuận lên trên hết, mà phải là sự an toàn của chính bản thân mình và người tiêu dùng.

Còn tại phường Hà Phong, Tổ phụ nữ trồng rau an toàn của Hội LHPN phường đã hoạt động được 6 năm, với 48 thành viên. Mô hình này đã và đang hoạt động hiệu quả, cung cấp ra thị trường những thực phẩm an toàn, vì sức khỏe cộng đồng.

Nhiều hộ gia đình tự ủ phân và trồng rau trong thùng xốp tại nhà.

Từ nguồn rác hữu cơ được thu gom và phân loại, các thành viên đã tận dụng làm phân vi sinh, phục vụ cho đời sống và trồng trọt. Từ đó giảm tối đa lượng rác thải ra môi trường. 2 năm qua, Hội LHPN phường Hà Phong đã làm được 24 tấn phân vi sinh bón cho cây trồng từ rác thải hữu cơ sinh hoạt, cỏ dại ven đường... giúp giảm chi phí trong trồng trọt.

Gia đình chị Nguyễn Thị Theo (khu 6B, phường Hà Phong) từ khi được tập huấn ủ phân vi sinh đã tận dụng triệt để những dư thừa sau thu hoạch và rác thải hữu cơ, cỏ dại bên đường để làm phân bón cho cây. Chị Theo cho biết: Với sản phẩm rau hữu cơ, gia đình tôi không đủ cung cấp cho thị trường. Rau sạch, nên ai cũng đăng ký mua, nhiều khi chúng tôi không đủ để cung cấp, bởi trồng rau sạch với phân bón an toàn thì năng suất không cao như khi dùng phân bón hóa học.

Cửa hàng kinh doanh hải sản của chị Trần Hồng Tĩnh, hội viên phụ nữ phường Bãi Cháy, TP Hạ Long. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Trên địa bàn TP Hạ Long, rất nhiều chủ hộ kinh doanh chế biến thực phẩm là hội viên hội phụ nữ. Mặc dù đều được chứng nhận về độ an toàn của sản phẩm, nhưng sự nhắc nhở thường xuyên về việc không sử dụng chất bảo quản, phụ gia độc hại, chất kích thích... không hề thừa đối với các cơ sở. Công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên cũng là việc được tổ chức hội phụ nữ chú trọng phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện.

Nỗ lực từng ngày, từng giờ để bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của bản thân, gia đình và các hội viên, nhưng vẫn còn rất nhiều nguy cơ mất vệ sinh ATTP đang rình rập. Tẩy chay thực phẩm bẩn là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó có sức mạnh lớn từ chính người dân.

Hoài Minh

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 8