TP Hạ Long ổn định sau một năm sáp nhập

Sau hơn 1 năm huyện Hoành Bồ được sáp nhập vào TP Hạ Long theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ninh, bộ máy trong hệ thống chính trị ở đơn vị hành chính mới đã hoạt động ổn định, hiệu quả. Cấp ủy, chính quyền TP Hạ Long mới đã tập trung cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, ổn định tình hình cơ sở, đồng thời tổ chức thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, tạo sự tin tưởng, đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

 

.

.Tinh gọn bộ máy, hoạt động thông suốt

Ngay khi Nghị quyết của Quốc hội chính thức được thông qua, TP Hạ Long mới đã nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống quy chế, quy định. Trong đó đặc biệt chú trọng các vấn đề mới, triển khai thực hiện tốt công tác sắp xếp tổ chức bộ máy; bố trí bảo đảm quyền lợi cho cán bộ, công chức, người lao động khi thực hiện sáp nhập. Đồng thời, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả cơ sở vật chất, trụ sở, trang thiết bị của các đơn vị, không để việc sắp xếp đơn vị hành chính làm ảnh hưởng đến các hoạt động của nhân dân.

 

BCH Đảng bộ TP Hạ Long nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Hoàng Nga

 

Cụ thể, về công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế, trên cơ sở hợp nhất các cơ quan tương ứng của hai địa phương, thành phố đã thành lập 6 cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp của thành ủy; tổ chức lại 11 phòng chuyên môn, 11 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND thành phố; thành lập Phòng Dân tộc; sáp nhập 22 hội thành 11 hội, đổi tên 2 hội; duy trì 90 trường công lập (Hạ Long 58 trường, Hoành Bồ 32 trường) và 33 trạm y tế xã, phường.

Về sắp xếp đối với tổ chức cơ sở đảng, trước sáp nhập, 2 địa phương có tổng số 117 chi, đảng bộ cơ sở (Hạ Long 82, Hoành Bồ 35), sau khi sắp xếp kiện toàn, thành phố có 98 chi, đảng bộ cơ sở với trên 22.660 đảng viên và 17.120 đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức Đảng và nhân dân nơi cư trú theo Quy định số 213-QĐ/TW, ngày 02/01/2020 của Bộ Chính trị. 

Thành phố cũng chỉ đạo kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt của thành phố, lãnh đạo chủ chốt các phòng, ban, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các đơn vị hành chính mới. Trong đó giữ nguyên tổ chức bộ máy các đơn vị hành chính cấp xã, phường; thực hiện bổ sung cấp ủy cơ sở; điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu bầu cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý với tổng số 318 lượt trường hợp; thực hiện chế độ chính sách đối với 31 đồng chí. Kết quả, sau sắp xếp đã giảm 44 đầu mối cơ quan, đơn vị (13 đầu mối khối Đảng, đoàn thể, 13 đầu mối khối chính quyền, 11 tổ chức hội); giảm 21 cấp trưởng, 3 cấp phó phòng, ban, đơn vị so với trước khi sáp nhập. Hiện nay đang rà soát thực hiện lộ trình giảm số lượng cấp phó dôi dư sau sáp nhập theo chỉ đạo chung.

Đối với việc sắp xếp, quản lý tài sản, các cơ sở nhà đất, thành phố đã bố trí, sắp xếp trụ sở làm việc cho các phòng, ban, đơn vị đảm bảo khoa học, hợp lý, phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ hành chính công; sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dôi dư sau sáp nhập. Trong đó đã chủ động báo cáo và được tỉnh chấp thuận chuyển toàn bộ cơ sở vật chất trụ sở Huyện ủy Hoành Bồ (trước sáp nhập) để mở rộng diện tích đất, tập trung nguồn vốn đầu tư xây dựng trường THPT Hoành Bồ, công trình đã đưa vào sử dụng đúng dịp khai giảng năm học mới, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân…

Từng bước thu hẹp khoảng cách giữa các vùng

Cùng với sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, Hạ Long cũng đặc biệt quan tâm và có phương án sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, triển khai các dự án, công trình, đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng. Trong đó nổi bật là ưu tiên dành nguồn lực đầu tư năm 2020 cho các xã vùng cao thực hiện Chương trình 135, Chương trình xây dựng nông thôn mới với tổng kế hoạch vốn đầu tư trên 139 tỷ đồng. Hiện nay hệ thống đường giao thông liên thôn, liên xóm đã được củng cố, bê tông hóa, đặc biệt các tuyến đường giao thông từ thôn Khe Phương đến trung tâm xã Kỳ Thượng; mở rộng tuyến đường giao thông liên xã, thôn Khe Càn (Đồng Cầm), xã Đồng Sơn đi xã Kỳ Thượng đấu vào đường TL342; hoàn thành đường đấu nối Quốc lộ 279 với đường tỉnh 342 qua trung tâm xã Đồng Lâm, qua đó góp phần quan trọng trong kết nối các khu dân cư, tạo mạng lưới liên kết các xã vùng cao với các vùng phụ cận.

 

Cầu Cửa Lục 1 là công trình quan trọng, đảm bảo giao thông thuận lợi giữa 2 khu vực Nam - Bắc của thành phố, được triển khai ngay sau khi sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long. Ảnh: Đỗ Phương

 

Thành phố cũng đã hoàn thành xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó tiếp tục ưu tiên dành nguồn lực đầu tư 113 dự án trên địa bàn các xã với tổng mức đầu tư 3.725 tỷ đồng; 14 dự án công trình giao thông trọng điểm, huyết mạch, kết nối giao thông giữa các khu vực của thành phố với các huyện, thị xã lân cận, là các trục đường cảnh quan, điểm nhấn tạo không gian kiến trúc, nét đặc trưng khác biệt, đảm bảo nhu cầu giao thông và là trục phát triển không gian, kết nối các liên kết vùng. Phối hợp triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng, nhằm kết nối giữa khu vực các xã và trung tâm thành phố, như: dự án Cầu Cửa Lục 1, cầu Cửa Lục 3, đường nối KCN Cái Lân với KCN Việt Hưng đến Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn.

Cùng với nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, thành phố cũng tích cực thu hút đa dạng các nguồn lực đầu tư phát triển, trong đó đặc biệt ưu tiên các dự án tạo hạ tầng đô thị, hạ tầng du lịch, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng, kết nối, phát triển du lịch biển kết hợp du lịch sinh thái rừng trên cơ sở bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên. Triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt các chính sách ưu tiên đối với đồng bào dân tộc thiểu số nhằm giảm dần khoảng cách về mức sống giữa các vùng miền.

Với tầm nhìn chiến lược cùng sự vào cuộc hiệu quả, sau hơn một năm triển khai thực hiện sáp nhập, hệ thống chính trị thành phố Hạ Long mới đã đảm bảo vận hành thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, tuyệt đối không để xảy ra gián đoạn; từng bước sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế đảm bảo phù hợp, không ảnh hưởng lớn đến vị trí việc làm, quyền lợi của cán bộ công chức, viên chức, người lao động. Qua đó góp phần phát huy có hiệu quả việc sử dụng nguồn lực, đẩy mạnh các nhiệm vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, triển khai các dự án, công trình thúc đẩy liên kết giữa khu vực trung tâm và các xã vùng cao, tạo tiền đề để thu hẹp khoảng cách cơ sở hạ tầng, mức sống giữa các khu vực của thành phố, phát huy các tiềm năng, lợi thế nổi trội, tạo nền tảng, động lực, đột phá phát triển trong thời gian tới.

Theo Báo Quảng Ninh

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 47