Quảng Ninh: Lời giải cho bài toán quy hoạch xử lý rác thải, nước thải
Hiện khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có khoảng 1.250 tấn/ngày, trong đó 72% được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Quảng Ninh: Công nghiệp chế biến tạo động lực tăng trưởng kinh tế
>>> Quảng Ninh: Nhà ga trăm tỷ hay “cái chợ cóc”?
Nút thắt…
Với tốc độ phát triển và đô thị hóa nhanh đã làm phát sinh quá tải môi trường thu gom và xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt. Theo báo cáo của Sở Xây dựng, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt toàn tỉnh trong một ngày khoảng 1.247 tấn và cả năm là khoảng 455.300 tấn. Trong đó khối lượng chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị chiếm đến 79,2%, khu vực nông thôn chiếm 20,8%. Toàn tỉnh hiện có 3/5 khu xử lý rác thải cấp vùng đi vào hoạt động bằng phương pháp đốt. Hiện 100% lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh được thu gom và xử lý kết hợp.
Chất thải rắn công nghiệp trên địa bàn tỉnh phát sinh trong ngày khoảng 361 tấn, do các cơ sở công nghiệp tự chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển, phân loại hoặc thuê khoán cơ sở tư nhân dưới sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về chất thải rắn. Việc thu gom, phân loại, vận chuyển do đơn vị chuyên trách đảm nhiệm.
Chất thải xây dựng toàn tỉnh hiện chưa có khu tái chế, xử lý. Đối với chất thải nguy hại, toàn tỉnh có 8.962 tấn/năm và toàn tỉnh có 1 đơn vị thuộc ngành Than được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép xử lý. Chất thải rắn y tế phát sinh khoảng 2.555 tấn/năm. Hiện nay mặc dù trên địa bàn tỉnh hầu hết các bệnh viện được trang bị lò đốt chất thải y tế tại chỗ, tuy nhiên do các lò đốt không ổn định sau khi sửa chữa nên phần lớn các đơn vị đang ký hợp đồng thuê các cơ sở bên ngoài vận chuyển, xử lý.
Theo thống kê của Sở Xây dựng, hiện khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 1.250 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị là 988 tấn/ngày; tỷ lệ thu gom khoảng 91% (1.133 tấn/ngày). Dự kiến, đến năm 2030, lượng chất thải rắn sinh hoạt của tỉnh sẽ phát sinh khoảng 862.000 tấn/năm (gấp khoảng 2 lần hiện nay)
Ngoài Nhà máy xử lý rác thải tại Đông Triều hoạt động khá tốt do mới được đầu tư, thì việc triển khai đầu tư xây dựng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Cụ thể, đối với khu xử lý chất thải rắn Khe Giang (TP Uông Bí) vận hành từ năm 2015 với 5 lò đốt, nhưng hiện chưa được xây dựng hoàn thiện; doanh nghiệp vừa đốt vừa cải tạo, dẫn đến công tác quản lý phức tạp, một số lò đã xuống cấp. Khu xử lý chất thải rắn Quảng Nghĩa (TP Móng Cái) hoạt động từ năm 2016, nhưng hệ thống lò đốt sử dụng công nghệ trong nước, chưa hoàn thiện, chưa có hệ thống thu hồi nhiệt, dẫn đến hiệu quả xử lý chưa cao, ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động.
Để thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực này, tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh với 5 khu xử lý chất thải rắn cấp vùng. Đến nay đã thu hút được một số nhà đầu tư có năng lực, nghiên cứu xây dựng các cơ sở xử lý chất thải rắn bằng phương pháp đốt, đã có 3/5 khu, nhà máy xử lý đi vào hoạt động là: Khe Giang (TP Uông Bí), Quảng Nghĩa (Móng Cái), Tràng Lương (TX Đông Triều); Trung tâm xử lý chất thải rắn tại Vũ Oai, Hòa Bình (TP Hạ Long) chưa đưa vào hoạt động; khu xử lý chất thải rắn tại Đông Hải (huyện Tiên Yên) đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư, GPMB.
>>> Quảng Ninh: Doanh nghiệp vào guồng sản xuất ngay từ đầu năm
Lời giải cho bài toàn khó…
Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Từ thực tế cho thấy, việc bố trí các khu xử lý tập trung nảy sinh những bất cập về công tác quản lý môi trường, tập kết, trung chuyển vận chuyển xa hơn, làm tăng kinh phí. Chưa quy hoạch các khu chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh tại từng địa phương và tại các khu xử lý cấp vùng, nên khi các nhà máy xử lý rác thải gặp sự cố, thì không có khu chôn lấp với công suất phù hợp. Bố trí các điểm tập kết, trung chuyển cũng chưa được các địa phương quan tâm trong quy hoạch xây dựng. Do đó khi có kiến nghị của người dân thì phải di dời, làm ảnh hưởng đến sự chủ động của doanh nghiệp, chính quyền địa phương lúng túng trong việc bố trí địa điểm.
Đơn cử, TP Hạ Long và TP Cẩm Phả hiện là 2 đô thị có lượng rác thải phát sinh hằng ngày lớn nhất tỉnh. Trước năm 2016, lượng rác thải của 2 thành phố này được đưa về chôn lấp tại bãi rác Đèo Sen (TP Hạ Long) và bãi rác Quang Hanh (TP Cẩm Phả). Do lượng rác quá lớn, liên tục trong thời gian dài, trong khi chỉ sử dụng công nghệ chôn lấp lạc hậu, bãi rác lại nằm khá gần các khu dân cư, nên 2 bãi rác này ngày càng quá tải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trước thực trạng này, UBND tỉnh đã quyết định đóng cửa 2 bãi rác từ cuối năm 2016; xúc tiến kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng một trung tâm xử lý rác sử dụng thiết bị và công nghệ tiên tiến, hiện đại để xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng phương pháp đốt.
Năm 2015 Công ty CP Tập đoàn Indevco có văn bản đề xuất UBND tỉnh được nghiên cứu và đầu tư xây dựng Trung tâm Xử lý chất thải rắn cho TP Hạ Long, TP Cẩm Phả và huyện Vân Đồn tại 2 xã Vũ Oai và Hòa Bình (TP Hạ Long) với những công nghệ tiên tiến hiện đại nhất. Cụ thể, theo đề xuất đầu tư, Trung tâm gồm 6 lò đốt rác, công suất 150 tấn/lò/ngày; 1 lò đốt chất thải rắn y tế, công suất 3,6 tấn/ngày. Lượng rác còn lại sau khi đốt chỉ phải xử lý chôn lấp tối đa không quá 5%.
Tuy nhiên, do công nghệ đốt không phù hợp, nên đến nay dự án vẫn chưa đưa vào hoạt động theo kế hoạch đặt ra. Do đó, từ năm 2017 toàn bộ lượng rác thải tiếp nhận của các địa phương vẫn chưa được xử lý theo công nghệ đốt, dẫn đến 860.000 tấn rác sinh hoạt hiện phải lưu giữ tạm tại các hố chứa tạm, nhà kho tạm. Trong thời gian dự án chưa hoàn thành theo đúng cam kết với tỉnh, nhưng Indevco đã có nhiều lần ngừng tiếp nhận rác sinh hoạt của Hạ Long và Cẩm Phả, khiến đời sống của nhiều người dân bị “đảo lộn” vì bị rác bủa vây.
Theo ông Phạm Văn Thành – PCT UBND tỉnh Quảng Ninh: Để nhanh chóng khắc phục những vướng mắc liên quan đến vấn đề này, thời gian qua UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Xây dựng, Sở TN&MT cùng với các đơn vị, địa phương liên quan rà soát, đánh giá lại công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt một cách chi tiết, cụ thể, mang tính đồng bộ cao, từ công tác lập quy hoạch đến bố trí các điểm trung chuyển, điểm đấu nối, phân công trách nhiệm, công nghệ xử lý...
Theo quy hoạch xử lý rác thải tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành liên quan phải khẩn trương rà soát quy hoạch. Trong đó Sở Xây dựng chủ trì điều chỉnh, bổ sung, thiết kế hạ tầng, không gian xử lý rác thải và phải nêu định hướng, quy mô dự kiến. Sở TN&MT tham mưu, bố trí quy hoạch sử dụng đất cho các khu xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nguy hại. Các địa phương bố trí tối thiểu một cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt hoặc khu liên hợp xử lý để chủ động trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý và thu hút đầu tư. Các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai để sớm đưa vào hoạt động.
Theo đại diện Indevco cho biết, Công ty sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện để đưa Trung tâm Xử lý chất thải rắn Vũ Oai, Hòa Bình đi vào vận hành thử nghiệm và hoạt động theo tiến độ cam kết. UBND huyện Tiên Yên sẽ làm việc với nhà đầu tư để đưa khu xử lý chất thải rắn ở huyện Tiên Yên trong tháng 3/2022 phải tiến hành khởi công, xây dựng.
TP Hạ Long đã lên phương án để xử lý 860.000 tấn rác tồn đọng; nghiên cứu, bổ sung một cơ sở xử lý chất thải rắn ở khu vực phía Tây thành phố. TP Cẩm Phả đang đẩy nhanh thực hiện dự án khu xử lý rác thải sinh hoạt tại khu 9 (phường Mông Dương), dự kiến xong trong năm 2022, đảm bảo toàn bộ rác thải của thành phố được thu gom, xử lý triệt để./.
Tin tức khác
- Bế giảng lớp học thêu may trang phục dân tộc Dao năm 2024
- Hội đồng nhân dân xã Bằng Cả tổ chức kỳ họp thứ Mười bảy HĐND xã khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026
- Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Quảng Ninh tổ chức tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Bằng Cả
- LỄ TRAO TẶNG HUY HIỆU 30 NĂM TUỔI ĐẢNG CHO ĐẢNG VIÊN THUỘC ĐẢNG BỘ XÃ BẰNG CẢ
- Xã Bằng Cả phối hợp với Trưng Tâm công tác Xã hội tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng phòng ngừa tội phạm mua bán người